Video ghi lại hình ảnh tàu Trung Quốc bắn tên lửa vào những mục tiêu không xác định trong khi các máy bay trực thăng lượn trên không ở vùng biển tranh chấp.
Đoạn băng còn có các cảnh máy bay chiến đấu Trung Quốc bay lượn và hệ thống súng lắp đặt trên tàu chiến.
Tàu Trung Quốc tập trận bắn đạn thật. Ảnh: China Daily
Chưa rõ thời điểm Trung Quốc tiến hành tập trận hải quân nói trên. Tuy nhiên, đoạn video được đăng tải vào 2 ngày trước khi Philippines có các cuộc tập trận riêng với Mỹ và Nhật Bản ở ngoài khơi Palawan, tỉnh gần khu vực tranh chấp nhất ở Biển Đông.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines Peter Galvez nói, những thôngtin về cuộc tập trận trên cho thấy Trung Quốc “đã sắp đặt sự hiện diện trái phép và gây hấn”.
“Điều này đi ngược lại tuyên bố của Trung Quốc là ủng hộ biện pháp phi quân sự, hòa bình trong việc sử dụng các khu vực tranh chấp... Họ không ngừng nói dối và mâu thuẫn với chính mình”, ông Peter Galvez nhấn mạnh.
Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động xây dựng trái phép ở ít nhất 7 bãi ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Những hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy, Trung Quốc có vẻ đang xây dựng những cơ sở quân sự trên các bãi ngầm gồm cả đường băng và hệ thống radar cảnh báo.
Các dự án xây dựng phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông đã bị Philippines và nhiều nước khác lên án vì ảnh hưởng tới ổn định khu vực cũng như tự do hàng hải.
Philippines khẳng định, hành động của Trung Quốc đã vi phạm Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 trong đó nghiêm cấm những hành động làm thay đổi nguyên trạng ở khu vực tranh chấp.
Trong diễn biến khác, các ngư dân Philippines đã đệ đơn kiến nghị lên LHQ phản đối sự gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông. Họ cho rằng, sinh kế của họ đã bị phá hủy khi Trung Quốc sử dụng vũ lực trong vùng biển.
Giống như rất nhiều ngư dân ở các thị trấn ven biển của Masinloc và Calapandayan, ngư dân Pasilbon đã bị cấm tiếp cận các bãi cá - nơi nhiều thế hệ trong gia đình ông từng đánh bắt - bởi Trung Quốc ra yêu sách chủ quyền bao trùm hầu hết Biển Đông.
Những khu vực ấy bao gồm cả bãi cạn Scarborough - nơi có rất nhiều cá mú và trai khổng lồ thu hút ngư dân cả hai nước.
"Mọi người giờ đây đều sợ hãi. Một số người trong chúng tôi đã trải qua cảnh bị vòi rồng tấn công cũng như tàu cá bị đâm hư hại”, Pasilbon nói.
"Một số tàu cá bị phá hủy. Và đó là lý do chúng tôi không muốn trở lại. Vài người cố quay lại vào ban đêm và trở về ban ngày”, ngư dân của vùng Calapandayan cho biết.
Pasilbon là một trong 38 ngư dân đã đệ đơn khiếu nại khẩn cấp lên LHQ cáo buộc TQ vi phạm nhân quyền khi gia tăng hiện diện ở khu vực tranh chấp.
"Chúng tôi muốn có một tuyên bố rằng, Trung Quốc đang vi phạm quyền sống, quyền có lương thực của ngư dân Philippines”, luật sư Harry Roques nói.
Trong khi đó, Philippines đang chuẩn bị các luận cứ tranh luận cho vụ kiện ra tòa trọng tài quốc tế chống lại Trung Quốc vi phạm Công ước LHQ về Luật Biển.
Trong một diễn biến khác, Tân Hoa xã ngày 24/6 dẫn báo Anh đưa tin, ngày 23/6, một chiếc máy bay tuần tra săn ngầm P-3C của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản và một chiếc máy bay quân sự Philippines đã đến gần bãi Cỏ Rong, triển khai bay tại đây.
Hãng tin Kyodo Nhật Bản cho biết, đây là lần đầu tiên Lực lượng Phòng vệ triển khai hoạt động ở khu vực áp sát quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) - nơi Trung Quốc thúc đẩy lấn biển xây đảo (bất hợp pháp).