Ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam bắt đầu được đầu tư mạnh mẽ từ năm 2002, và mới chỉ đang trong giai đoạn tiếp nhận chuyển giao từ các trung tâm đóng tàu lớn ở châu Á. Ngoài Vinashin được thành lập từ năm 2006 (nay là Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC)) giữ vai trò nòng cốt, ngành đóng tàu của Việt Nam còn có các cơ sở đóng tàu thuộc sở hữu của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (2) Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam và một số tập đoàn và Tổng công ty Nhà nước khác, (3) các cơ sở đóng tàu thuộc quản lý của BộQuốc phòng, (4) các doanh nghiệp địa phương và tư nhân, và (5) doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Việt Nam có 120 nhà máy đóng, sửa chữa tàu với trọng tải trên 1.000 DWT, với 170 công trình nâng hạ thủy. Tổng công suất thiết kế của các nhà máy khoảng 2,6 triệu DWT/năm, nhưng năng lực thực tế đạt 800.000 - 1.000.000 DWT/năm (31-39% công suất thiết kế), trong đó đảm nhận 50% nhu cầu trong nước (300.000 - 400.000DWT/năm); xuất khẩu 500.000 - 600.000 DWT/ năm chiếm 0,3 - 0,4% thị phần đóng tàu thế giới.
Tính đến năm 2010, toàn ngành có khoảng gần 100.000 lao động, trong đó Vinashin có khoảng 43.797 lao động (đến 7/2013 còn khoảng 26.000 lao động), song các lao động có chứng chỉ quốc tế còn rất ít so với yêu cầu.
Ngành công nghiệp đóng tàu hiện còn những tồn tại như:
i) thiếu tầm nhìn chiến lược và chương trình hành động cụ thể hướng đến phát triển ngành công nghiệp đóng tàu phù hợp với diễn biến phát triển mang tính chu kỳ của ngành công nghiệp đóng tàu thế giới.
ii) hiệu quả sử dụng hạ tầng ngành đóng tàu còn thấp; đầu tư dàn trải, trang thiết bị chưa đồng bộ. Hiệu quả quản trị và ứng dụng IT để quản trị hệ thống (thiết kế-sản xuất-tài chính) còn thấp.
iii) năng lực nghiên cứu và phát triển (R&D) còn yếu; đầu tư cho R&D trong ngành hàng hải và công nghiệp đóng tàu hầu như không đáng kể; kỹ năng và đội ngũ nhân lực chưa được tăng cường theo kịp yêu cầu phát triển của ngành.
iv) nhiều nhà máy đầu tư chưa hoàn thiện, đầu tư chắp vá qua nhiều giai đoạn, ít có nhà máy đạt chuẩn quốctế. Thiếu sự gắn kết hữu cơ giữa các ngành kinh tế khác như vận tải, công nghiệp dầu khí, du lịch và thủy sản với công nghiệp đóng tàu.
v) công nghiệp phụ trợ trong nước phát triển tự phát, thiếu đồng bộ, phụ thuộc quá lớn vào các nhà sản xuất vật tư thiết bị tại Trung Quốc và các nước khác.
vi) các công ty vận tải hàng hải trong nước gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm nguồn vốn để đầu tư mở rộng đội tàu.
Mục tiêu của Kế hoạch nhằm đưa ngành đóng tàu trở thành ngành mũi nhọn trong thực hiện Chiến lược kinh tế biển; tập trung vào sản xuất một số sản phẩm phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam; xác lập lòng tin trên thị trường thế giới về Việt Nam là một quốc gia có ngành đóng tàu với chất lượng cao.
Một số chỉ tiêu định lượng đến năm 2020:
- Tốc độ tăng giá trị sản lượng toàn ngành: 5-10%.
- Dành 70-80% năng lực sản xuất phục vụ nhu cầu đóng tàu các loại ở trong nước, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, trừ một số loại tàu như: tàu ngầm, tàu tuần dương hạm, tàu chiến đấu, đòi hỏi công nghệ và kỹ thuật cao.
- Từ 3-10% dành cho xuất khẩu; Số lượng tàu xuất khẩu dự kiến 1,67-2,16 triệu tấn/năm.
Các nhiệm vụ cụ thể:
1. Hình thành 3 cụm liên kết ngành đóng tàu ở ba miền Bắc, Trung, Nam.
2. Xây dựng ba trung tâm sửa chữa tàu hạng thấp đến trung theo hướng tập trung ở các vùng có lợi thế về vị trí địa lý, gần các cảng biển lớn và/hoặc tuyến hàng hải quốc tế.
3. Nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trên cơ sở bảo đảm liên kết giữa ngành đóng tàu và các ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước và khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp hỗ trợ cho ngành đóng tàu, trước hết ưu tiên cho một số gam tàu có thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước và có lợi thế cạnh tranh.
4. Xây dựng thể chế, hệ thống văn bản pháp lý cho ngành, phát triển các loại hình sản phẩm, quy mô sản phẩm, nâng cao năng lực R&D.
Những vấn đề mang tính chiến lược của Kế hoạch:
1. Tái cơ cấu (sắp xếp, tổ chức lại...) hệ thống nhà máy đóng tàu cả nước hiện có theo hướng sử dụng tập trung cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực hiện có.
2. Phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành đóng tàu (các loại máy, thiết bị điện chuyên dụng, động cơ diesel cỡ nhỏ, máy phát điện cỡ nhỏ, trục chân vịt, thép tấm, thép hình, ống …) và bảo đảm quan hệ cung ứng-hợp tác giữa các ngành này.
Đến năm 2020: tập trung vào các loại phụ tùng máy thủy, thiết bị, phụ kiện boong, ống điện chuyên dụng và cơ khí; từng bước hình thành công nghiệp sản xuất thép vỏ tàu cho các tàu hạng thấp đến trung.
3. Phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu tàu thủy và dịch vụ sửa chữa tàu; ưu tiên một số gam tàu có thị trường tiêu thụ và có lợi thế cạnh tranh. Thực hiện nhiệm vụ chung trong chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2020: “củng cố, phát triển ngành cơ khí đóng, sửa chữa tàu cá, có lộ trình phù hợp chuyển nhanh các tàu cá vỏ gỗ sang vỏ thép, vật liệu mới…”
4. Đào tạo nhân lực có trình độ cao, chuyên nghiệp ở tất cả các cấp từ quản lý, kỹ sư, đến công nhân, đặc biệt ưu tiên đội ngũ kỹ sư thiết kế tàu thủy, quản lý dự án đóng tàu.
5. Xây dựng năng lực R&D, phục vụ cho ba cụm liên kết ngành ở ba miền Bắc, Trung, Nam.
6. Cơ chế giám sát.
Kế hoạch hành động nhằm đạt mục tiêu bao gồm:
1. Tái cơ cấu hệ thống nhà máy đóng tàu cả nước hiện có theo hướng sử dụng tập trung cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực đã có: Hình thành 3 cụm liên kết ngành đóng tàu và xây dựng một số ít các doanh nghiệp cốt lõi của ngành, liên doanh đóng tàu với nước ngoài.
2. Phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành đóng tàu:
Rà soát lại toàn bộ thuế suất ưu đãi đối với nhập khẩu nguyên liệu, linh kiện và đề xuất thuế nhập khẩu/danh mục nguyên liệu, linh kiện được hưởng ưu đãi. Rà soát các ưu đãi về thuế: (1) thuế thu nhập doanh nghiệp; (2) thuế ưu đãi đối với sản xuất sản phẩm công nghệ cao, đối với sản xuất sản phẩm trung gian cho ngành đóng tàu. Xây dựng và công khai hóa các thủ tục, tiêu chuẩn áp dụng cho các doanh nghiệp. Đơn giản hóa và giảm thiểu thủ tục hành chính; thực hiện hiện đại hóa khâu thủ tục hành chính và hải quan; thủ tục và quy trình thẩm định để được ưu đãi. Hình thành Quỹ hỗ trợ phát triển ngành đóng tàu trong giai đoạn 2015-2020…
3. Phát triển thị trường tiêu thụ tàu và dịch vụ sửa chữa tàu trong nước và xuất khẩu: Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp đóng tàu trong nước đối với các gam tàu mà Việt Nam có điều kiện phát triển và tăng cường mối liên kết giữa các ngành kinh tế khác với công nghiệp với đóng tàu. Đơn giản hóa thủ tục bán hàng tại thị trường nội địa của doanh nghiệp xuất khẩu nhằm phát triển các doanh nghiệp hỗ trợ và tăng tỷ lệ nội địa hóa đối với doanh nghiệp đóng tàu.
4. Đào tạo nhân lực có trình độ cao, chuyên nghiệp, đẳng cấp quốc tế cho tất cả các cấp: Hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, phân bổ chỉ tiêu đào tạo nước ngoài cho ngành công nghiệp hỗ trợ, tập trung ở các nước có ngành đóng tàu phát triển;
Xây dựng tiêu chuẩn kiểm tra đánh giá tay nghề trong ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ cho ngành công nghiệp đóng tàu.
5. Xây dựng năng lực R&D, phục vụ cho ba cụm liên kết ngành ở ba miền Bắc, Trung, Nam: Xây dựng 01 trung tâm R&D ở phía Bắc nhằm phục vụ chung cho ba cụm ngành với sự tham gia của Nhà nước và của doanh nghiệp.
Trong quá trình thực hiện Kế hoạch, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp phản hồi về Bộ Giao thông vận tải và Tổ Công tác Chiến lược công nghiệp hóa để xem xét giải quyết.
Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Tổ Công tác Chiến lược công nghiệp hóa và các Bộ, ngành liên quan tổng hợp và đánh giá kết quả thực hiện đến năm 2016 cũng như kinh nghiệm phù hợp của phía Nhật Bản, trên cơ sở đó sẽ điều chỉnh lại Kế hoạch hành động cần được thực hiện từ năm 2017.